Tết Đoan Ngọ cũng là một ngày lễ quen thuộc tại Việt Nam. Nhưng Tết Đoan Ngọ có rất nhiều tên gọi khác nhau cũng như mỗi vùng miền lại có những phong tục khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu xem Tết Đoan Ngọ là ngày nào, ăn gì, cúng gì, và sự đa dạng của Tết Đoan Ngọ trong từng vùng miền và quốc gia khác nhau trong bài viết sau đây.
Tết Đoan Ngọ là gì?
Tết Đoan Ngọ là một ngày tết truyền thống và phổ biến tại nhiều quốc gia Á Đông như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên, Nhật Bản và cả Việt Nam. Đây là một nét đẹp văn hoá đã có từ lâu đời và vẫn luôn được giữ gìn và phát huy. Đoan có nghĩa là mở đầu còn ngọ là buổi trưa nên Tết Đoan Ngọ thường được tổ chức vào buổi trưa.
Tết Đoan Ngọ là ngày gì? (Nguồn ảnh: Điện Máy Xanh)
Đoan ngọ cũng là lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất và thường trùng với ngày hạ chí. Theo triết lý của y học cổ truyền phương Đông thì hoả khí của trời đất và cơ thể người đều lên đến đỉnh điểm trong ngày đoan ngọ.
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là gì?
Tết Đoan Ngọ còn có nhiều tên gọi khác như tết giữa năm, tết nửa năm, tết đoan dương, tết sâu bọ. Đoan ngọ là giữa trưa. Còn dương là mặt trời hay dương khí. Tết đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc dương khí đang mạnh nhất (Tức giữa trưa).
Còn gọi là ngày giết sâu bọ hay tết sâu bọ là vì truyền thuyết của người Việt xưa khiến dân gian tin rằng trong ngày này sâu bọ, giun sán đều sẽ chết hết. Với người hoa thì ngày này còn được gọi là tết Trùng Ngũ. Vì ngũ là số năm trong tiếng hoa mà Tết Đoan Ngọ là mùng 5 tháng 5 có hai con số 5 nên gọi là trùng ngũ.
Ngày mùng 5 tháng 5 còn là biểu tượng của hai dãy 5 vòng tròn đen của trung tâm Hà Đồ. Tháng 5 là tháng Ngọ, đoan thì mang nghĩa bắt đầu nên có tên đoan ngọ. Ngày này có tiết khí hạ chí nhưng là ngày cực âm vì vạn vật đều quay về cung Thổ trung – tức cung số 5. Vậy nên đây còn là ngày mang tính biểu tượng của giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ. Cho nên Tết Đoan Ngọ còn được một số người gọi là ngày giỗ mẹ Việt Thường hay giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ, một ngày vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh văn hoá của người Việt bên cạnh ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 hằng năm.
Đây cũng là ngày Vía Bà tại Linh sơn thánh mẫu nổi tiếng ở núi Bà Đen, Tây Ninh. Ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn gọi là ngày “nước quay”. Vì theo lệ hàng năm, nước ở thượng nguồn đổ về đến vùng đất này làm nước sông trở thành đỏ đục và có nhiều xoáy nước. Đây cũng được coi là ngày bắt đầu của những mùa lũ hàng năm.
Tết Đoan Ngọ là ngày bao nhiêu?
Tết Đoan Ngọ không còn xa lạ gì với mọi người nữa và thường được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Ngày tổ chức Tết Đoan Ngọ có sự thống nhất ở các vùng miền khác nhau và cả ở những quốc gia Á Đông khác. Nên ngày này vẫn thường được in trực tiếp lên lịch để nhắc nhở mọi người.
Tết Đoan Ngọ bắt nguồn từ đâu? Vì sao có Tết Đoan Ngọ?
Truyền thuyết Tết Đoan Ngọ của người Trung Hoa
Tết Đoan Ngọ ở mỗi quốc gia lại có những truyền thuyết về nguồn gốc khác nhau. Phổ biến nhất là truyền thuyết về Tết Đoan Ngọ của Trung Quốc và Việt Nam. Theo truyền thuyết Trung Quốc thì cuối thời Chiến Quốc có một vị quan đại thần ở nước Sở tên là Khuất Nguyên. Ông là một vị trung thần nước Sở và là nhà văn hoá nổi tiếng thời bấy giờ. Theo lịch sử ghi chép lại thì ông là tác giả bài thơ Ly Tao (thuộc thể thơ Sở từ) rất nổi tiếng trong văn hóa cổ đại Trung Hoa. Bài thơ thể hiện tâm trạng buồn sầu vì đất nước suy vong và hoạ mất nước.
Vì Khuất Nguyên can ngăn vua Hoài Vương không được, thêm bị gian thần hãm hại, ông đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La và qua đời ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Do thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến đúng ngày đó, người dân Trung Quốc xưa hay làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (để cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống, và lấy bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.
Truyền thuyết Tết Đoan Ngọ tại việt nam
Trong truyền thuyết Việt Nam thì Tết Đoan Ngọ lại gắn liền với việc tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng. Người xưa kể lại rằng một ngày sau khi thu hoạch, nông dân đang ăn mừng vì bội thu nhưng bỗng dưng sâu bọ lại kéo đến ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Mọi người đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này thì có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm các vật đơn giản như bánh tro, trái cây, sau đó ra trước nhà mình vận động tập thể dục. Nhân dân nghe lời làm theo chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rũ rượi. Ông lão cũng căn dặn vào ngày này hằng năm thì sâu bọ đều rất hung hăng. Nên mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ông đã dặn hôm nay thì sẽ trị được chúng.
Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã biến mất. Làm theo lời của lão ông, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người còn gọi đó là “Tết Đoan Ngọ” vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.
Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa gì?
Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ được biết đến với hai ý nghĩa chính là diệt sâu bọ và thờ cúng tổ tiên. Vì giai đoạn diễn ra Tết Đoan Ngọ cũng là lúc chuyển mùa nên dịch bệnh rất dễ phát sinh do đó ngoài ý nghĩa diệt sâu bọ hại cây trồng thì người dân cũng mong trừ bệnh tật trong ngày này. Đây cũng là dịp để con cháu trong nhà tề tựu sum vầy cùng nhau chuẩn bị đồ cúng cho ông bà gia tiên. Ở một số nơi thì ngày này không chỉ là dịp gia đình đoàn tụ mà còn là ngày để cả làng cùng nhau quây quần làm bánh và hái trái cây, thắt chặt tình làng nghĩa xóm và giữ gìn nét đẹp văn hoá Việt.
Tết Đoan Ngọ làm gì?
Tết Đoan Ngọ ăn gì?
Cơm rượu, rượu nếp, nếp cẩm
Đây là món không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam. Theo quan niệm của mọi người, bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại vi khuẩn hoặc giun sán có hại, chúng thường cư trú sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng tiêu diệt được.
Cơm rượu hay nếp cẩm, rượu nếp (Nguồn ảnh: Đời sống pháp luật)
Chỉ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên thì chúng ta mới có thể tận dụng cơ hội để loại bỏ chúng bằng cách ăn những thức ăn có vị chua, cay, chát. Trong đó nổi bật nhất là cơm rượu, rượu nếp hay nếp cẩm. Đặc biệt, nếu bạn thưởng thức món rượu này vào buổi sáng, ngay khi thức dậy thì càng hiệu quả hơn.
Bánh tro
Bánh tro là loại bánh có màu vàng nâu, được làm bằng gạo nếp ngâm trong nước tro của các loại cây khô. Sau đó bánh được gói trong lá chuối rồi nấu chín. Có vùng gọi đây là bánh ú nước tro, có vùng chỉ gọi là bánh ú hoặc bánh tro.
Bánh tro (Nguồn ảnh: Afamily)
Trái cây
Trái cây cũng là một món không thể thiếu của ngày Tết Đoan Ngọ. Với mong muốn “tiêu diệt sâu bệnh” bên trong người, dân gian thường lựa chọn các loại quả có vị chua như mận, xoài xanh… và ăn chúng vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy. Nhưng hiện nay việc lựa chọn trái cây cũng khá dễ tính hơn. Ví dụ như mùng 5 tháng 5 thường rơi vào mùa vải nên cũng có thể cúng và ăn vải.
Trái cây (Nguồn ảnh: Petrotimes)
Thịt vịt
Thịt vịt là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Trung. Nhiều người tin rằng vì mùng 5 tháng 5 là ngày tiết trời oi bức nên ăn vịt sẽ giúp cho cơ thể mát mẻ hơn.
Thịt vịt (Nguồn ảnh: Zing)
Chè trôi nước
Ở miền nam thì chè trôi nước là một món ăn đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ. Những viên chè trôi được làm từ bột nếp với nhân đậu vàng ươm bên trong cực kỳ thơm ngon. Ăn kèm là nước đường, gừng và cốt dừa tăng thêm vị béo ngậy khó quên của món ăn.
Chè trôi nước (Nguồn ảnh: Kênh14)
Chè kê
Là món ăn đặc trưng của người Huế trong dịp Tết Đoan Ngọ. Sau khi xay hạt kê và loại bỏ lớp vỏ, người ta ngâm rồi đun sôi cho đến khi nở mềm, sền sệt rồi thêm nước đường cùng chút gừng là đã được một nồi chè kê thơm phức, vô cùng hấp dẫn cho cúng kiến và thưởng thức.
Chè kê (Nguồn ảnh: Báo Dân sinh)
Tết Đoan Ngọ biếu gì?
Biếu quà trong ngày Tết Đoan Ngọ không phải là điều phổ biến nhưng một số vùng cũng có tập tục con rể phải biếu quà Tết Đoan Ngọ cho nhà vợ. Cụ thể là ở nhiều tỉnh miền trung thì con rể sẽ mua thịt vịt biếu bố mẹ vợ. Tập tục này không rõ bắt nguồn từ khi nào. Nhưng một số tỉnh như Vinh, Nghệ An có tục lệ như vậy. Việc tặng thịt vịt là cách để con rể bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn với bố mẹ vợ. Đây cũng là dịp để gia đình, người thân, bạn bè cùng giúp nhau sửa soạn mâm cỗ và ăn uống quây quần.
Tết Đoan Ngọ cúng gì?
Tết Đoan Ngọ cúng vào giờ nào?
Người dân thường làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc sáng sớm mùng 5 tháng 5 âm lịch. Nhưng vì giờ Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều nên thời điểm cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn phải là vào khoảng thời gian này. Vì theo nhiều nghiên cứu văn hóa dân gian, Tết Đoan Ngọ được ghép từ Đoan (mở đầu) và Ngọ (giờ ngọ). Chính vì thế, thời gian cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào chuẩn thì thường vào giờ ngọ từ 11 giờ sáng đến 13 giờ ngày 5 tháng 5 âm lịch.
Cúng Tết Đoan Ngọ (Nguồn ảnh: Vietnamnet)
Hướng dẫn cúng Tết Đoan Ngọ
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ thường phải đặt trên bàn thờ gia tiên giống như nghi lễ cúng gia tiên thông thường. Mâm cúng Tết Đoan Ngọ cũng có thể được đặt ngoài trời với mong muốn xua tan sâu bệnh, ước mong con người, vật nuôi, cây trồng tươi tốt, khỏe mạnh.
Cúng Tết Đoan Ngọ (Nguồn ảnh: Gia Đình Mới)
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các lễ vật cần thiết để cúng, mọi người sẽ bày biện các lễ vật vào một chiếc mâm cúng và đặt ngay ngắn ở trên bàn thờ hoặc bàn ngoài trời, thắp nến xung quanh. Đợi đến đúng giờ tiến hành nghi lễ cúng bái, thắp hương và đọc văn khấn gia tiên.
Tết Đoan Ngọ cúng những gì?
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ có thể làm chay hoặc mặn dựa theo điều kiện kinh tế của gia chủ. Nhưng thường một mâm cúng sẽ bao gồm:
- Một mâm cúng chay gồm các loại bánh chay, xôi chay
- Mâm trái cây ngũ sắc với đủ năm vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt
- 9 bông hoa đồng tiền đỏ đặt trên mâm hoa quả
- Ba chén rượu ba với ba màu trắng, đỏ, vàng, bên trong rượu có pha một ít hùng hoàng
- Ba chén nước trà với ba hương vị khác nhau, có thể kèm thêm vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá
- Có thể mua một chút giấy tiền vàng bạc
Tuỳ theo địa phương thì mâm cúng cũng sẽ có những thay đổi khác nhau cho phù hợp với tập quán của nơi đấy.
Văn khấn Tết Đoan Ngọ
Con nhất tâm kính bái, cung thỉnh cha mẹ, ông bà, gia tiên tiền tổ nội ngoại, hôm nay là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, ngày Tết Đoan Ngọ năm (thời gian hiện tại) vào giờ nhâm ngọ thanh long hoàng đạo là giờ cát tường, chúng con với tấm lòng thành kính hiếu nghĩa xin sửa soạn lễ vật, tiền vàng, nhang đăng cung thỉnh kính mời cha mẹ, ông bà, cùng gia tiên tiền tổ nội ngoại hạ đàn thụ hưởng và chứng giám cho tấm lòng thành kính của chúng con.
Kính lạy cha mẹ ông bà cùng gia tiên nội ngoại, nhân ngày Tết Đoan Ngọ con cung thỉnh kính mời gia tiên nội ngoại trợ duyên cho chúng con làm lễ cầu xin Thượng Đế, Ngọc Hoàng Đại Đế bảo vệ mùa màng cho nhân dân, gia ân cho hương linh tiên tổ được mát mẻ ở nơi thiên giới, chúng con thỉnh cầu cha mẹ, ông bà, gia tiên tiền tổ nội ngoại phù hộ độ trì cho chúng con, Cầu tài tài đến. Cầu phúc phúc lai. Cầu đức đức thịnh. Cầu lộc lộc tồn. Hanh thông sự nghiệp vạn sự cát tường như ý.
Chúng con nhất tâm quy mệnh lễ, thành kính cung thỉnh lên gia tiên nội ngoại cầu xin gia tiên chứng lễ.
Chúng con xin đa tạ (3 lần).
Tết Đoan Ngọ ở 3 miền
Việt Nam là một nước có nền văn hoá hết sức đa dạng và điều này được thể hiện rất rõ nét trong các dịp lễ hội truyền thống. Ví dụ như cách cúng kiến và phong tục tập quán Tết Đoan Ngọ của mỗi vùng ở 3 miền lại khác nhau. Trước hết phải kể đến loại hoa quả trong cúng kiến. Một phần vì mỗi vùng sẽ có các loại trái cây theo mùa khác nhau nên đây là điều hết sức dễ hiểu.
Ngoài ra thì mỗi một món ăn trong mâm cỗ cúng thể hiện được nét riêng của từng vùng. Ví dụ như tại miền bắc thì rượu nếp hay nếp cẩm là món không thể thiếu ở mọi nhà. Riêng miền trung và miền nam không dùng rượu nếp mà thay vào đó là cơm rượu.
Cơm rượu miền trung thường được làm từ phương pháp lên men cổ truyền được nhiều gia đình miền trung tự chế biến. Món này được xem như món tráng miệng, giúp dễ tiêu hoá và cũng khá phổ biến. Cơm rượu miền trung thường có hình dáng vuông vức hoặc nguyên khối, sau đó ai ăn sẽ chia ra từng phần.
Còn cơm rượu miền nam là thường được vo thành các viên tròn nhỏ trước khi ủ. Đặc trưng ăn ngọt của miền nam cũng được thể hiện qua món này khi món cơm rượu thường có pha thêm với nước đường và có nơi còn ăn chung với xôi vò.
Tết Đoan Ngọ tại các nơi trên thế giới
Phong tục Tết Đoan Ngọ Việt Nam
Theo lệ thì đúng ngọ (tức 12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê sẽ rủ nhau đi hái lá. Đây chính là thời khắc có dương khí tốt nhất và là giờ mặt trời tỏa ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào thời điểm này có tác dụng chữa bệnh rất tốt như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột. Hoặc là khi bị cảm mạo, đem những lá thuốc như vậy nấu nước xông để giải cảm rất tốt. Ở miền nam thì mọi người vẫn thường buộc một chùm lá xông như vậy ở trước nhà để xua đi điềm rủi.
Lá thuốc, lá xông, lá mùi ngày Tết Đoan Ngọ (Nguồn ảnh: lữ hành Việt Nam)
Vào Tết Đoan Ngọ xưa, người ta còn có tục nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà… Những em bé chưa biết đi thì lấy một ít vôi bôi vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng hay nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này đều đã bị lược bỏ.
Một số vùng cũng có tục giết sâu bọ để nhớ lại cội nguồn của ngày này. Một số vùng khác thì có tục tắm lá mùi. Những vị rau mùi là loại gia vị thơm rất đặc trưng. Trong ngày tết nguyên đán hay Tết Đoan Ngọ thì thường người ta sẽ dùng những cây mùi già để nấu lấy nước tắm để giải trừ vận xui và khí độc trên người. Ở vùng ven sông hay biển thì người dân cũng hay rủ nhau ra tắm sông, tắm biển thay cho tục tắm lá mùi xưa.
Tết Đoan Ngọ Trung Quốc
Người Trung Quốc có 3 tập tục chính trong ngày Tết Đoan Ngọ chính là đua thuyền, ăn bánh ú và uống rượu. Đua thuyền rồng là một hoạt động náo nhiệt và đặc trưng nhất của người Hoa vào ngày này. Vì theo tích xưa, khi nghe tin Khuất Nguyên đã trầm mình xuống sông Mịch La, người dân ngay lập tức tổ chức đội thuyền chèo ra sông để cứu ông nhưng bất thành. Sau này, mỗi năm vào ngày Tết Đoan Ngọ người Trung Quốc đều tổ chức đua thuyền rồng để tưởng nhớ đến vị trung thần này.
Đua thuyền rồng (Nguồn ảnh: Du học Trung Quốc)
Ngoài ra, người Hoa còn đeo túi thơm. Đây là loại túi được làm bằng vải và chỉ ngũ sắc để may và được may thành hình quả cầu hoặc chú cọp. Bên trong các túi đó thường đựng các loại hương liệu như hạt mùi, hùng hoàng, hương nhu và một số loại hương liệu khác dùng để đuổi rắn rết, sâu bọ làm hại trẻ em. Người Trung Quốc cũng quan niệm đeo túi thơm vào Tết Đoan Ngọ sẽ chống được bệnh tật và xua đuổi tà ma.
Tập tục ăn bánh ú cũng xuất phát từ truyền thuyết Khuất Nguyên. Tùy mỗi vùng khác nhau mà nhân bánh nếp có thể là thịt, đậu xanh, long nhãn, trứng muối hay hạt dẻ nhuyễn, hạt tiêu. Còn rượu người Trung Quốc uống trong ngày này là rượu hùng hoàng. Đây là một vị thuốc có thể giết sâu bọ và tiêu độc có thể dùng để xức lên người hoặc để ở các góc tường trừ sâu độc.
Hàn Quốc có Tết Đoan Ngọ không?
Hàn Quốc cũng xem ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là ngày lễ theo truyền thống văn hóa của họ. Nag2y này thường được gọi là Dano (단오) hay là Surit-nal (수릿날). Người Hàn xem đây là ngày cúng thần linh trên trời và kỷ niệm ngày kết thúc gieo hạt. Trong ngày này người Hàn cũng ăn uống, hát ca. Một hình ảnh đẹp của Tết Đoan Ngọ Hàn Quốc chính là nữ gội đầu bằng hoa diên vĩ còn nam thì lấy rễ cây làm thắt lưng.
Gội đầu bằng hoa diên vĩ (Nguồn ảnh: Làm cha mẹ)
Tết Đoan Ngọ Nhật Bản
Tết Đoan Ngọ trong tiếng Nhật được gọi là Tango no Sekku (端午の節句) từ thời Nara và được tổ chức vào ngày thứ năm của tháng năm tính theo âm lịch. Nhưng sau khi Nhật Bản chuyển đổi sang lịch Gregorian thì ngày đó cũng được dịch chuyển sang ngày mùng 5 tháng 5. Thực chất ngày này không phải ngày Tết Đoan Ngọ giống các nước Á Đông khác mà đây được coi là ngày lễ dành cho các bé trai hay còn được gọi là Tết Thiếu nhi (こどもの日). Đây là một ngày đại lễ của Nhật từ năm 1948.
Tết mùng 5 tháng 5 Nhật Bản (Nguồn ảnh: Kilala)
Trong ngày này người Nhật thường treo cờ cá chép (Koinobori) tượng trưng cho những bé trai khỏe mạnh và thông minh với ý nghĩa “cá vượt vũ môn”. Họ cũng trang trí các bộ áo giáp Kabuto mang theo ước nguyện của ông bà cha mẹ mong muốn cho con mình sẽ thành đạt trong cuộc sống. Vì vậy, cứ đến đầu tháng 5 là khắp các nẻo đường ở Nhật rợp trời cờ cá chép tung bay trong gió, mỗi nhà treo 3 hoặc 5 cờ, với 5 màu chủ đạo là: xanh lam, đỏ, đen, xanh lá, xanh tím.
Tết Đoan Ngọ kiêng gì?
Trong ngày Tết Đoan Ngọ cũng có một số điều kiêng kỵ như sau:
- Vứt giày dép một cách lộn xộn: Trong tiếng Hán, giày dép đồng âm với từ “tà”. Vì vậy, trong ngày Tết Đoan Ngọ, để giày dép không đúng trật tự cũng dễ chiêu dụ tà khí.
- Tránh để rơi tiền: Rơi tiền bạc hay ví trong Tết Đoan Ngọ chẳng khác gì bạn để rơi mất tài lộc, tài vận cũng sẽ đi xuống.
- Không mua các vật phẩm có hình thù kỳ quái: Trong ngày này, cần tránh mua những vật phẩm có hình thù kỳ quái, không rõ nguồn gốc để tránh rước thêm tà khí về.
- Tránh ở phòng đầu tiên hoặc cuối cùng trong dãy hành lang khi ở khách sạn, nhà nghỉ: Vì theo phong thủy, hai vị trí này dễ hút nguồn năng lượng tiêu cực, không tốt cho sức khỏe.
- Tránh đi đến hoặc lưu trú ở những nơi âm u: Nếu xuất hành trong ngày này thì nên tránh xa bệnh viện, đám ma vì những nơi này âm khí quá nặng, dễ chịu bệnh tật, tà khí.
Lời kết
Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về ngày Tết Đoan Ngọ tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp mọi người chuẩn bị một mùa Tết Đoan Ngọ 2023 ý nghĩa hơn. Ngoài ra nếu mọi người muốn cải tạo lăng mộ, xây dựng công trình – kiến trúc đá hay làm các đồ thờ cúng, linh vật bằng đá cũng có thể liên hệ trực tiếp với Thăng Long theo thông tin sau:
Đá Mỹ Nghệ Thăng Long
- Địa chỉ: Thôn Hạ Trạo, Ninh Thắng, Hoa Lư, Ninh Bình
- Điện thoại: 0912 587 562
- Gmail: tranthang9608@gmail.com
- Website: https://tranthang.com.vn